Bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản không phải là hiện tượng hiếm gặp, nó gây nên nỗi ám ảnh kinh hoàng tới các mẹ trong suốt thai kỳ. Rất nhiều người vẫn lầm tượng đây là tình trạng ốm nghén khi có những cơn ợ chua, ợ hơi, buồn nôn và nôn ói,… nên vô tình bỏ qua mà không tìm giải pháp khắc phục. Hãy cùng tham khảo những thông tin hữu ích dưới đây để có thể dễ dàng nhận biết và xử lý một cách nhanh chóng, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của cả mẹ và bé.
Vì sao bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản?
Ở tam cá nguyệt đầu tiên và cuối cùng, mẹ bầu thường mắc phải chứng trào ngược. Vào 2 giai đoạn này, hormone thai kỳ tác động lên các cơ, bao gồm cơ bụng khiến việc tiêu hóa trở nên chậm chạp hơn. Kết quả là thức ăn di chuyển lòng vòng trong dạ dày. Nếu bà bầu ăn quá nhiều hoặc nạp thực phẩm khó tiêu, axít dạ dày trào trở lên, gây chứng ợ nóng cấp tính hoặc trào ngược. Lúc này, bà bầu sẽ có cảm giác khó chịu ở ngực và bụng.
Tình trạng này diễn ra ngày một nhiều khi cân nặng thai nhi lớn dần và chèn ép lên dạ dày mẹ, tạo ra áp lực đẩy các dịch vị trào ngược lên thực quản. Trong đó, những dấu hiệu nhận biết rõ nhất triệu chứng này là:
- Nóng rát vùng ngực.
- Ợ hơi, ợ nóng.
- Đau thượng vị.
- Nôn, buồn nôn.
- Khó nuốt.
- Rát cổ, giọng khan.
- Ho khan.
Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, việc làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh khi mang thai không phải lúc nào cũng cần thiết, vì điều này có thể làm phiền đến việc nghỉ ngơi của mẹ bầu. Có thể mẹ sẽ không cần làm xét nghiệm nào cả, tuy nhiên, tùy thuộc vào triệu chứng và tình trạng bệnh mà bác sĩ hoặc điều dưỡng có thể chỉ định mẹ làm một hoặc một vài xét nghiệm cần thiết để đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản, phải làm sao?
Bất chấp sự khó chịu gây ra cho bà bầu khi bị trào ngược, các bác sĩ cho rằng hiện tượng này lại khá có ích với thai nhi, vì khi tiêu hóa từ từ, chất dinh dưỡng sẽ dần dần được bé con hấp thu qua dây nhau. Vì vậy, mẹ bầu không phải lo lắng liệu nó có ảnh hưởng gì đến quá trình cung cấp dinh dưỡng cho con hay không. Tuy nhiên, chẳng mẹ bầu nào lại mong mình phải chịu đựng chứng trào ngược suốt 9 tháng mang thai.
- Tránh các thực phẩm gây kích thích dạ dày
Một số nhóm thực phẩm rất dễ gây kích thích dạ dày, đặc biệt là các loại thực phẩm như chocolate, trà, cà phê, các thực phẩm cay nóng, các món chiên xào,… dễ gây ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, gây khó tiêu, ợ chua, ợ nóng cũng như có khả năng gây kích thích khiến bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản nặng hơn.
- Chú ý cách ăn uống
Trong quá trình mang thai, chị em nên chú ý ăn chậm, nhai kỹ. Khi ăn nhanh, sẽ dễ nuốt nhiều không khí vào bụng dễ gây khó tiêu, đầy hơi, ợ chua, ợ nóng cũng như có khả năng gây ra tình trạng trào ngược. Bên cạnh đó, bà bầu cũng không nên vừa ăn vừa uống.
- Chia nhỏ bữa ăn
Đây là một trong những cách hữu hiệu để làm giảm tình trạng trào ngược dạ dày khi mang thai. Thay vì dùng 3 bữa chính hằng ngày, chị em có thể chia nhỏ ra từ 6 – 8 bữa ăn để giúp dễ tiêu hóa hơn và giảm tình trạng trào ngược.
- Nên mặc quần áo rộng rãi
Làm gì khi bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản? Chọn các loại quần áo nhẹ nhàng, rộng rãi, thoải mái sẽ giúp thai phụ cảm thấy dễ chịu hơn và giảm nguy cơ trào ngược, khó chịu cho cơ thể.
- Vận động nhẹ nhàng
Trong quá trình sinh hoạt khi mang thai, các cử động đột ngột, đặc biệt là khi đứng, ngồi có thể khiến cho axit dạ dày có thể tăng tiết nhiều hơn. Chính vì vậy mẹ bầu nên chú ý nằm, ngồi nhẹ nhàng, từ tốn, tránh vận động nhanh, đột ngột, nhất là vận động vùng bụng, điều này sẽ giúp hạn chế tối đa tình trạng trào ngược dạ dày thực quản.
- Tránh lo âu, căng thẳng
Lo âu quá nhiều trong quá trình mang thai sẽ không tốt cho sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, trạng thái tinh thần này còn có thể làm tăng tiết dịch vị dạ dày và khiến cho bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản nhiều hơn.
Như vậy, qua những thông tin cần thiết về phương pháp giúp bà bầu bị trào ngược dạ dày thực quản nhanh chóng đẩy lùi tình trạng này đã được cung cấp rất cụ thể trong bài viết trên đây. Các mẹ hãy ghi nhớ để cùng áp dụng nhé!