Trong những ngày qua, rất nhiều người dân chen chúc, thậm chí xếp hàng dài để chờ xét nghiệm sán lợn tại các bệnh viện. Theo số liệu được thống kê của Bộ Y tế, tính đến thời điểm hiện nay đã có ít nhất 55 tỉnh báo cáo có các trường hợp nhiễm sán lợn. Trước tình hình đó, có không ít người đặt ra câu hỏi bệnh sán lợn có lây không mà nhiều tỉnh xuất hiện đến thế. Đơn cử, chị Nguyễn Minh Yến (Hoàng Mai, Hà Nội) thắc mắc: “Chào bác sỹ, thấy nhiều cháu bị nhiễm sán lợn mà tôi lo quá. Tôi cũng chưa nắm rõ được nhiễm sán lợn là bệnh như thế nào, bệnh sán lợn có lây không, cách điều trị ra sao? Mong sớm nhận được giải đáp”.
Bác sỹ trả lời:
Bệnh sán lợn hay còn được gọi là bệnh lợn gạo, xảy ra khi cơ thể nhiễm phải trứng, ấu trùng hoặc sán lợn trưởng thành. Đối với sán lợn trưởng thành, chúng thường sống ký sinh ở hệ thống đường ruột, nhưng nếu đó là ấu trùng, chúng có thể ký sinh và phát triển tại các cơ của lợn. Ấu trùng thường tập trung và quy tụ thành từng hạt màu trắng đục, kích thước như hạt gạo.
Bệnh sán lợn có lây không?
Bệnh sán lợn có khả năng lây truyền, cụ thể là lây truyền qua đường tiêu hóa. Sán trưởng thành, ấu trùng hoặc trứng có thể chết nếu chúng ta nấu chín, đun sôi với nhiệt độ trên 75 độ C. Vì thế, nếu bạn không nấu chín và ăn thịt lợn có biểu hiện như vừa kể trên, bạn sẽ mắc phải bệnh sán lợn.
Lưu ý, sán và trứng sán còn có ở trong phân của người hoặc trong lợn mắc bệnh. Trong trường hợp người bệnh không đảm bảo các vấn đề về vệ sinh, sán hoặc trứng sán sẽ dính vào tay rồi lẫn vào trong thực phẩm, chúng ta nếu ăn vào sẽ bị lây bệnh.
Sau khi nuốt phải trứng, ấu trùng hoặc sán lợn trưởng thành, chúng sẽ di chuyển đến dạ dày. Nếu đó là trứng sán, trứng sẽ phát triển thành ấu trùng đi tới ruột non để hấp thụ dưỡng chất và phát triển thành sán trưởng thành. Không chỉ ký sinh ở đường ruột, ấu trùng sán lợn có thể di chuyển tấn công trực tiếp vào não, tim, gây ra hệ quả nghiêm trọng cho sức khỏe cũng như để lại các biến chứng nguy hiểm. Nếu ấu trùng chui vào mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hay thậm chí là mù lòa.
Khi nhiễm phải sán lợn, người bệnh có thể có các biểu hiện:
- Cảm thấy đau bụng kéo dài, rối loạn tiêu hóa hay suy nhược cơ thể.
- Đi ngoài ra đốt sát, rối loạn tiêu hóa, đau bụng và kéo dài trong một thời gian dài.
- Có dấu hiệu sán trên da như da nổi sần, nổi cục.
- Co giật, động kinh, đau đầu, liệt tay chân, hôn mê.
- Hốc mắt, mi mắt, trong kết mạc, thủy tinh thể xuất hiện các cục bất thường.
- Với những trường hợp có nhiều sán trong ruột, người bệnh có thể dễ dàng nhìn thấy chúng thông qua phân (từng đốt sán đoạn nhỏ màu trắng ngà, dẹt như sơ mít theo phân) hay ở hậu môn mỗi khi thay quần lót.
Ngay khi có các biểu hiện trên, hãy nhanh chóng đến cơ sở y tế để bác sỹ thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm cần thiết nhằm chắc chắn có đúng cơ thể đang bị nhiễm sán hay không. Nếu dương tính với sán lợn, các bác sỹ sẽ có phương hướng điều trị thích hợp.
- Trong trường hợp nhiễm sán lớn trưởng thành, các bác sỹ có thể điều trị cho người bệnh bằng cách sử dụng các loại thuốc có tác dụng loại bỏ chúng ra khỏi cơ thể.
- Trong trường hợp nhiễm phải trứng sán hoặc ấu trùng sán, việc điều trị sẽ phức tạp hơn nhiều do bác sỹ sẽ phải kết hợp các loại thuốc khác nhau để xử lý biến chứng do ấu trùng xâm nhập tới nhiều cơ quan của cơ thể. Một số trường hợp người bệnh cần được bác sỹ phẫu thuật trực tiếp để loại bỏ nang ấu trùng.
Bệnh sán lợn hoàn toàn có thể phòng ngừa, để phòng chống bệnh sán dây lợn mọi người cần lưu ý một số điều sau: Ăn chín uống sôi, không ăn thực phẩm ôi thiu, chưa nấu chín hay đồ lên men như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái, rau sống không đảm bảo vệ sinh, tẩy giun sán 1 năm 2 lần.