Hỏi:
Chào bác sĩ, cháu năm nay 20 tuổi, không bia rượu, thuốc lá nhưng dạ dày của cháu có hiện tượng rất lạ, nhất là trong khoảng 2 tuần trở lại đây. Ban đầu là cháu hay bị đầy bụng khó tiêu kéo dài, cảm giác đau tức, nhất là ở phần vùng bụng trên rốn, khó chịu hơn khi cháu bị đói hoặc ăn quá no. Thỉnh thoảng cháu cũng bị ợ chua, thấy đắng ngắt trong cổ. Cháu đã đi khám và bị chẩn đoán viêm dạ dày cấp tính
Cháu có tìm hiểu những thực phẩm nên ăn khi bị đau dạ dày nhưng trên mạng quá nhiều thông tin, cháu rất phân vân không rõ bị đau dạ dày nên ăn gì thì tốt ạ? Mong bác sĩ tư vấn giúp cháu.
(Minh Tâm – Thanh Hóa)
Trả lời:
Chào Tâm! Cảm ơn cháu đã tin tưởng và chia sẻ những vấn đề đang gặp phải về chuyên mục tư vấn sức khỏe của chúng tôi. Trước khi giúp cháu giải đáp thắc mắc: Bị đau dạ dày nên ăn gì? Chúng ta cùng tìm hiểu về sâu hơn về tình trạng bệnh lý mà cháu đang gặp phải.
Đau dạ dày và những nguyên nhân, biểu hiện bệnh thường gặp
– Đau dạ dày là tình trạng tổn thương niêm mạc phía trong của dạ dày do các vết viêm loét gây ra. Đa phần các dạng tổn thương này tại dạ dày khó lành do nằm ở vị trí ẩm ướt, thường xuyên phải hoạt động co bóp nhằm lưu trữ, tiêu hóa thức ăn. Không được điều trị sớm, đúng cách, từ dạng cấp tính, đau dạ dày sẽ chuyển sang mãn tính và là khởi đầu của nhiều biến chứng về sau: thủng dạ dày, xuất huyết dạ dày, hẹp môn vị, thậm chí ung thư dạ dày,….
– Hiện nay ở nước ta có khoảng 7% dân số bị các bệnh lý liên quan đến đau dạ dày. Nguyên nhân của tình trạng này được xác định chủ yếu do:
- Nhiễm các loại nấm, virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, điển hình là khuẩn HP (Helicobacter Pylori) chiếm đến 80% nguyên nhân gây bệnh.
- Thói quen sinh hoạt mất cân bằng, chế độ dinh dưỡng không lành mạnh.
- Stress, căng thẳng, mất ngủ kéo dài.
- Ngoài ra việc lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, bị trào ngược dịch mật, thiếu máu ác tính,…cũng khiến niêm mạc dạ dày bị viêm loét gây đau.
– Đau dạ dày thường biểu hiện rõ ràng nhất ở cảm giác khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng, ăn không ngon, ợ chua, ợ hơi. Ở mức độ nặng hơn, người bệnh sẽ thấy đau phần thượng vị, đau bụng âm ỉ hoặc dữ dội (chủ yếu ở vùng bụng bên trái) tùy thuộc vào mức độ bệnh. Khi niêm mạc dạ dày bị tổn thương nghiêm trọng sẽ có hiện tượng xuất huyết dạ dày (đi nặng ra phân đen, nôn ra máu).
Với những chia sẻ của cháu, có thể thấy dù không sử dụng các chất kích thích, đồ uống có hại nhưng những thói quen sinh hoạt hàng ngày thiếu khoa học hoặc tâm trạng lo âu trong thời gian dài,…cũng khiến dạ dày của cháu bị đau.
Hiện tại bệnh đang ở giai đoạn cấp tính, tuân thủ hướng dẫn điều trị từ bác sĩ, kết hợp với chế độ dinh dưỡng dưới đây sẽ giúp cháu sớm cải thiện được tình trạng này.
Bị đau dạ dày nên ăn gì?
- Nhóm thực phẩm bảo vệ niêm mạc dạ dày: Trứng (đã luộc chính), sữa chua, mật ong, chè nóng, nghệ (dạng tươi hoặc tinh bột)…rất tốt cho tiêu hóa khi làm giảm kích thích dạ dày.
Nhiều người cho rằng sữa chua không phù hợp với những bệnh nhân bị các bệnh lý liên quan đến dạ dày, tuy nhiên, trên thực tế sữa chua có nhiều enzyme, acid lactic có tác dụng hỗ trợ hệ tiêu hóa, nâng cao sức đề kháng, rất tốt cho hệ tiêu hóa, đặc biệt là dạ dày. - Nhóm thực phẩm giúp se lành vị trí tổn thương trong dạ dày: cá, bắp cải,…có tác dụng bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất: canxi, kẽm, vitamin U,… làm tăng luuw lượng máu đến dạ dày, bảo vệ niêm mạc và sẽ lành vết viêm loét tại đây.
- Nhóm thực phẩm giúp giảm tiết dịch acid: cơm, bánh mì, cháo, khoai lang, khoai tây,…hạn chế đồ nếp sẽ khiến người bị dạ dày có cảm giác hơi đầy bụng, đồ nếp cũng không có lợi cho quá trình se lành tổn thương.
- Nhóm thực phẩm giàu dinh dưỡng, điển hình như vitamin A, B, D, K, acid folic, canxi, sắt, kẽm, magie: ngũ cốc nguyên hạt, các loại rau củ quả màu đỏ và xanh đậm giúp khả năng tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất của dạ dày dễ dàng hơn.
Bên cạnh đó, cháu nên tránh: Nhóm thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày (café, chè đặc, rượu bia, thuốc lá, gia vị cay nóng, các loại nấm, đồ ăn tẩm ướp quá nhiều gia vị,…); Nhóm thực phẩm nhiều acid (trái cây chua, dấm mẻ, các loại đồ uống trái cây đóng hộp,…); Nhóm thực phẩm gây đầy hơi, chứng bụng (giá đỗ, dưa cà muối chua, hành, hẹ, trứng sống/ tái,…
Những điều cần lưu ý trong chế độ ăn của người bị bệnh đau dạ dày
- Không ăn quá no khiến dạ dày tăng tiết dịch acid, cũng không nên để quá đói khi dạ dày co bóp sẽ gây đau. Nên chia thành nhiều bữa nhỏ ăn trong ngày.
- Ăn chậm, nhai kỹ giúp giảm sức ép lên dạ dày, đồng thời gia tăng sự bài tiết nước bọt giúp trung hòa lượng acid trong dạ dày.
- Ưu tiên các món hấp luộc, hạn chế đưa nhiều gia vị vào trong các món ăn.
- Đồ ăn nên nấu chín, mềm, nếu đau hãy ăn thiên về các loại đồ ăn dạng lỏng: cháo, súp,…