Bệnh cam là gì? Đây là một trong những băn khonaw của nhiều bậc phụ huynh và đặc biệt làm sao để phát hiện sớm biểu hiện bệnh hạ cam ở trẻ? Tất cả những điều này sẽ được giải đáp để các bậc cha mẹ hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây.
Bệnh cam là gì?
Cam là tên gọi đông y của bệnh viêm lợi xảy ra đối với trẻ nhỏ, các triệu chứng của viêm lợi là lợi sưng đỏ, đau, chảy máu, hôi miệng, lưỡi trắng, chảy dãi nhiều…Viêm lợi có thể xảy ra khi bé mọc răng hoặc nhiễm trùng do vệ sinh răng miệng kém.
Một thể nặng của bệnh cam là cam tẩu mã, thể này không phổ biến nhưng rất nguy hiểm. Bé bị cam tẩu mã là do nhiễm phải một loại vi trùng cấp tính. Bé đau liên tục, dữ dội, miệng hôi. Nếu không được điều trị kịp thời, chỗ viêm sẽ lan rộng, gây hoại tử, làm xương tiêu nhanh và tụt lợi.
Do đó bạn cần nắm vững những biểu hiện của bệnh cam để nhận biết sớm và có phương pháp điều trị nhanh chóng cho bé.
Biểu hiện bệnh cam ở trẻ em
Trẻ bị cam thường có những triệu chứng điển hình như:
- Môi lợi đỏ, nặng thì sưng to và lở loét.
- Lưỡi có lớp rêu trắng dày
- Chảy nước dãi nhiều.
- Lợi và chân răng đỏ hoặc chảy máu.
- Miệng hôi
- Có các nốt nhiệt lở loét ở lưỡi hoặc vòm miệng, vòm má.
- Người nóng hoặc sốt nhẹ, nhất là vào buổi chiều, hoăc sốt theo chu kỳ (nếu có bội nhiễm thì sốt cao).
- Ngủ hay nằm úp, ngủ ít, ngủ trằn trọc, khi ngủ có mồ hôi trộm nhiều.
- Đêm ngủ hay dậy quấy, nặng thì quấy khóc cả ban ngày.
- Bệnh Cam mồm có thể sinh ra táo bón, tiêu chảy hoặc kiết lị.
- Nôn, đau bụng.
- Biếng ăn hoặc bỏ ăn.
- Chậm lên cân, không lên cân, nặng thì tụt cân.
Cách phòng bệnh cam ở trẻ em
Để tránh hiện tượng viêm nhiễm kể trên, cần chú ý vệ sinh miệng trẻ cho sạch. Với trẻ còn bú mẹ hoặc ăn sữa bột, nếu thấy có cặn sữa nên rửa cho sạch, trước khi ăn, bằng nước đun sôi để nguội, hoặc bằng dung dịch bicacbonat loãng, nếu tưa nhiều có thể lau bằng mật ong và lau lại bằng nước đun sôi để nguội.
Trẻ lớn hơn 2, 3 tuổi, tập cho súc miệng thường xuyên sau mỗi bữa ăn. Sáng ngủ dậy và tối trước khi đi ngủ, cần chú ý súc miệng kỹ hơn, nhất là đối với trẻ thích ăn ngọt nhiều như kẹo, bánh ngọt… Nên tập cho trẻ có thói quen súc miệng, đánh răng hàng ngày để vừa tránh được viêm miệng, vừa tránh được hỏng men răng do đường đọng lại trong miệng.
Ở trẻ bị bệnh sởi hoặc một số bệnh siêu vi trùng, thì hằng ngày phải thực hiện tốt vệ sinh miệng và cơ thể, dùng khăn nhúng nước ấm lau cho sạch mồ hôi và chất nhờn trên da, tránh tập quán cũ của một số bà mẹ kiêng khem quá mức, sợ nước không dám làm vệ sinh cho trẻ, khiến cho vi trùng đường miệng phát triển và dễ gây biến chứng cho trẻ. Cần phải phát hiện bệnh sớm ngay từ lúc chưa có biến chứng, để có hướng điều trị kịp thời, tránh chuyển thành nặng, nhiễm trùng kéo dài. Đặc biệt cần bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ.