Những lưu ý về cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV đúng cách? có vai trò rất quan trọng. Không chỉ giúp trẻ phát triển về mặt thể chất và tinh thần; mà còn giúp trẻ có đủ sức đề kháng đề chống lại bệnh tật. Giúp làm chậm quá trình tấn công của virus, chuyển sang giai đoạn cuối (AIDS)…
Vậy nên, những thông tin về chế độ dinh dưỡng và thói quen sinh hoạt hợp lý cho trẻ nhiễm HIV được cung cấp ở bài viết dưới đây, sẽ vô cùng hữu ích đối với các bậc cha mẹ.
Nguyên nhân trẻ bị nhiễm HIV?
HIV (Human-Immuno-Deficiency-Virus) là loại virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Đây là loại virus gây bệnh xã hội nguy hiểm; có thể gặp phải hầu hết tất cả mọi người, trong mọi độ tuổi, từ già đến trẻ.
Trong đó, phần lớn trẻ em bị nhiễm HIV khi người mẹ đang trong giai đoạn mang thai; trong quá trình sinh hoặc khi cho con bú. Ngoài ra, đối với những trẻ lớn hơn cũng có thể nhiễm bệnh do bị lạm dụng tình dục hoặc cưỡng hiếp. Việc truyền máu dương tính với HIV hoặc sử dụng kim tiêm chưa qua khử trùng cũng dễ lây nhiễm căn bệnh này cho trẻ em.
Như vậy, khi có điều kiện xâm nhập vào cơ thể con người; HIV tìm cách tấn công vào bạch cầu gây tàn phá hệ miễn dịch. Sau một thời gian, nếu không được phát hiện, các bạch cầu bị tiêu diệt nhiều; khả năng chống đỡ với mầm bệnh suy giảm. Cơ thể sẽ bị virus tấn công gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm và dẫn đến cái chết.
Cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV đúng cách, cha mẹ cần ghi nhớ?
Với mức độ lây lan và khả năng biến chứng nguy hiểm của mầm bệnh. Các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo, ngoài việc điều trị bằng thuốc; các bậc phụ huynh cần biết cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV đúng cách. Cũng như tâm sự với trẻ về căn bệnh theo cách phù hợp nhất với tuổi của con. Để bé có được sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái nhất khi đối diện với bệnh.
Vậy nên, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý nhiều hơn đến cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV như sau:
Về chế độ dinh dưỡng:
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi:
Cho dù sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quý giá nhất với trẻ; nhưng nếu cho trẻ bú mẹ có HIV thì khả năng bị lây nhiễm HIV qua sữa mẹ vẫn rất cao. Vì vậy, cho bé dùng sữa thay thế hoàn toàn sữa mẹ. Tuyệt đối không cho trẻ vừa bú mẹ vừa ăn sữa ngoài vì có thể gây tiêu chảy; tổn thương ruột làm HIV dễ xâm nhập vào có thể trẻ.
Đối với trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi:
Trẻ có thể chậm phát triển do ăn kém, tiêu chảy; bệnh nhiễm trùng và do nhu cầu dinh dưỡng cao. Vì vậy, cần chú ý: Tránh sử dụng thực phẩm có giá trị dinh dưỡng thấp như nước ngọt, nước chè, đồ uống có gas… Cần tăng tối đa lượng thực phẩm ăn hằng ngày.
Đối với trẻ từ 13 – 24 tháng tuổi:
Nên cho ăn 3-4 bữa/ngày kèm thêm 2 bữa phụ như nước quả hay quả chín, sữa bò hay sữa đậu nành, bánh quy… Nếu trẻ không ăn thêm sữa; cho ăn 3 bữa chính và 2 bữa phụ/ngày.
Đối với trẻ trên 2 tuổi:
Trẻ ăn 3 bữa chính cùng gia đình, mỗi bữa từ 1 – 2 bát; ưu tiên cho trẻ ăn thức ăn giàu dinh dưỡng như thịt, cá, tôm, cua, trứng, đậu và rau xanh. Giữa các bữa ăn chính cần cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ là sữa, bánh, quả chín. Cần cho trẻ uống đủ nước; mỗi ngày 6-8 cốc nước (200 ml/cốc) gồm nước đun sôi, nước rau, quả.
Về vấn đề vệ sinh hàng ngày
Vệ sinh cơ thể:
- Trẻ cần được tắm, vệ sinh thật sạch để đề phòng nhiễm trùng da, không để xây xước da.
- Quần áo mặc cần thoáng mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Sau khi trẻ đại tiện và vệ sinh xong, cần rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng.
Vệ sinh răng miệng:
- Đối với trẻ dưới 3 tuổi, nên dùng vải mềm, sạch nhúng nước sạch, lau sạch răng, lợi và miệng sau khi ăn.
- Đối với trẻ trên 3 tuổi, đánh răng buổi sáng, sau khi ăn và trước khi đi ngủ. Mỗi năm 2 lần cho trẻ đi khám răng miệng.
Thăm khám sức khỏe định kỳ
Nếu trẻ nhiễm bệnh có thể chất yếu, dinh dưỡng kém sẽ kích hoạt virus HIV phát triển, sức đề kháng ngày càng suy giảm. Từ đó dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; nhanh chóng chuyển sang giai đoạn AIDS và gây chết người.
Vậy nên chủ động cho con đi khám sức khỏe định kỳ cũng được coi là cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV đúng cách. Nhằm biết được tình hình sức khỏe của con để nhanh chóng có hướng xử lý kịp thời.
- Cha mẹ cần phải cho trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có những triệu chứng: sốt, ho, thở nhanh, khó thở, chán ăn, gầy sút nhanh. Xuất hiện những đốm trắng hay những vết đau trong miệng, xuất hiện những mụn không biến mất. Đi ngoài phân có máu, tiêu chảy, nôn mửa, sởi, lao, thủy đậu hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
- Hàng tháng, cần cho trẻ kiểm tra sức khỏe, khám bệnh và xét nghiệm; để phát hiện và điều trị dự phòng các biểu hiện sớm của nhiễm trùng cơ hội.
- Ngoài ra, trẻ không may bị nhiễm HIV cũng rất cần đến sự hỗ trợ về mặt xã hội, tài chính và tình cảm. Vì vậy, hiện nay trẻ nhiễm HIV/AIDS vẫn sẽ được đi học. Song song đó, các chương trình nâng cao nhận thức và giáo dục cần phá vỡ sự kỳ thị xung quanh. Để trẻ sẽ có cơ hội kết bạn và có cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác.
Mong rằng với những thông tin ở bài viết đã giúp bạn đọc cũng như các bậc phụ huynh có thêm kiến thức về cách chăm sóc trẻ bị nhiễm HIV đúng cách. Nếu không may con bạn đang gặp phải những trở ngại từ căn bệnh đó, bạn hãy là người đồng hành cùng con trải qua những khó khăn trong cuộc sống.