Câu hỏi: Chào bác sỹ, ông cháu năm nay 63 tuổi. Ông mới đi khám và bác sỹ phát hiện ông bị đái tháo đường. Cháu lo cho sức khỏe của ông lắm, xin được hỏi đái tháo đường là gì, nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị căn bệnh này nó như thế nào. Cháu cảm ơn bác sỹ nhiều ạ.
Dương Quý Đức (Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội)
Trả lời:
Chào cháu,
Trong thư cháu chia sẻ ông cháu mới được chẩn đoán bị đái tháo đường. Cháu muốn bác sỹ giải đáp đái tháo đường là gì, nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị như thế nào.
Đái tháo đường là gì?
Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa mạn tính, cơ thể mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất ra hormone insulin một cách thích hợp khiến lượng đường trong máu tăng cao dẫn tới các biến chứng nguy hiểm theo thời gian.
Đái tháo đường có 3 loại chính, đó là đái tháo đường tuýp 1, đái tháo đường tuýp 2 và đái tháo đường thai kỳ.
+ Đái tháo đường tuýp 1 là chứng rối loạn tự miễn, trong đó hệ miễn dịch tấn công các tế bào tuyến tụy gây ra thiếu hụt insulin nên làm tăng lượng đường huyết.
+ Đái tháo đường tuýp 2 phổ biến nhất, xảy ra khi các tế bào trở nên đề kháng với insulin và tuyến tụy không thể tạo đủ lượng insulin để vượt qua sự đề kháng này. Do đó, thay vì di chuyển vào trong các tế bào để tạo ra năng lượng, đường tích tụ lại trong máu của bạn khiến mức đường huyết gia tăng.
+ Đái tháo đường thai kỳ chỉ xảy ra ở phụ nữ mang thai, có thể gây các vấn đề cho mẹ và trẻ sơ sinh nếu không điều trị. Tình trạng đái tháo đường thai kỳ thường tự khỏi sau khi chuyển dạ.
Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường
Để biết được tại sao mấc bệnh, đầu tiên phải hiểu được quá trình chuyển hóa glucose. Glucose là chất đóng vai trò là nguồn năng lượng cho các tế bào của cơ bắp và các mô, đặc biệt não bộ. Glucose có trong thực phẩm mà chúng ta ăn và được dự trữ ở trong gan. Trong trường hợp glucose trong máu quá thấp, gan sẽ chuyển hóa glycogen thành glucose rồi cân bằng lại lượng đường trong máu. Máu sẽ hấp thụ glucose và cung cấp cho các tế bào. Tuy nhiên, các tế bào không thể sử dụng nguồn “nhiên liệu” này trực tiếp mà phải có sự hỗ trợ của hormone insulin. Insulin cho phép glucose được hấp thu vào các tế bào, làm giảm nồng độ glucose trong máu.
+ Với bệnh đái tháo đường tuýp 1, hệ thống miễn dịch tấn công và phá hủy các tế bào sản xuất insulin khiến cơ thể có ít hoặc không có insulin. Lượng đường thay vì chuyển đến tế bào lại tích lũy trong máu gây ra bệnh.
+ Với bệnh đái tháo đường type 2, các tế bào đề kháng với hoạt động của insulin đồng thời tuyến tụy cũng không thể tạo ra đủ insulin để vượt qua sự đề kháng này dẫn tới hiện tượng đường sẽ không thể đến các tế bào trong cơ thể mà bị tích tụ lại trong máu.
+ Với đái tháo đường thai kỳ, vào thời kỳ mang thai, nhau thai sẽ tạo ra kích thích tố để duy trì thai kỳ. Theo các bác sỹ thì những kích thích tố này làm cho các tế bào có khả năng kháng insulin tốt hơn. Thường tuyến tụy sẽ đáp ứng bằng cách sản xuất đủ insulin để vượt qua sức đề kháng này nhưng đôi khi thì tuyến tụy không thể sản xuất đủ insulin. Điều này xảy ra dẫn đến lưỡng đường vẩn chuyển vào tế bào giảm và lượng tích tụ trong máu tăng dẫn đến đái tháo đường thai kỳ.
Triệu chứng bệnh đái tháo đường
+ Người bệnh có cảm giác cực kỳ khát.
+ Người bệnh đi tiểu nhiều.
+ Người bệnh bị sụt cân mà không rõ nguyên nhân làm sao.
+ Người bệnh cảm thấy kiệt sức và mệt mỏi suốt cả ngày.
+ Người bệnh thường xuyên có cảm giác buồn nôn hoặc nôn mửa.
+ Có hiện tượng mờ mắt.
+ Cảm giác khô miệng.
+ Vết thương chậm lành.
+ Có biểu hiện ngứa da, đặc biệt là ở bẹn.
Trong điều trị đái tháo đường, người bệnh sẽ luôn duy trì ổn định mức đường huyết bằng thuốc, duy trì một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tập thể dục hợp lý. Việc sử dụng thuốc hạ đường huyết sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của người bệnh. Người bệnh được hướng dẫn nên kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng dụng cụ đo đường huyết và cần cẩn trọng với các dấu hiệu cho thấy mức độ đường trong máu quá thấp hoặc quá cao.
Trong chế độ dinh dưỡng đảm bảo việc ăn đầy đủ chất nhưng cần hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường. Các bác sỹ cũng sẽ giới thiệu các bài tập thể dục để giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Người bệnh cần kiểm tra bàn chân và mắt thường xuyên để ngăn ngừa các biến chứng của bệnh đái tháo đường. Nói tóm lại, chỉ cần quản lý tốt đường huyết ở mức an toàn bằng việc sử dụng thuốc, ăn uống và tập thể dục theo đúng hướng dẫn bác sỹ thì không có gì phải lo lắng cả.
Chúc cháu nhiều sức khỏe!