Hỏi:
Chào bác sĩ, bé nhà em năm nay 4 tuổi, đi học mẫu giáo, do ăn phải thực phẩm bẩn nên nhiễm sán lợn. Em lo quá! Không biết nên điều trị bệnh sán lợn này bằng cách nào và việc điều trị sán lợn dễ hay khó? Rất mong sớm nhận được câu trả lời của các bác sĩ ạ.
Nguyễn Văn Tùng, Bắc Ninh
Trả lời:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về hộp thư của chúng tôi. Để hiểu hơn về vấn đề này, trước hết chúng ta nên có cái nhìn chính xác về bệnh sán lợn.
Bệnh sán lợn là gì?
Được biết với tên gọi là bệnh ấu trùng sán lợn hay bệnh lợn gạo. Đây là bệnh truyền nhiễm ở mô gây ra bởi ấu trùng (cysticercus) sán dây lợn (Taeniasolium).
Người mắc bệnh thường có rất ít hay thậm chí là không có triệu chứng trong nhiều năm, người bệnh xuất hiện những khối u chắc và không đau. Kích thước của khối u khoảng 1-2cm ở dưới da và dưới cơ, hoặc thậm chí có triệu chứng thần kinh nếu như não bị ảnh hưởng. sau một thời gian khá dài, có thể nhiều tháng hay nhiều năm các u này có thể chuyển sang trạng thái đau và sưng phù. Đây có thể được xác định là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng co giật mà nhiều người gặp phải.
Những nguyên nhân gây bệnh sán lợn
Căn bệnh ấu trùng sán lợn thường bị lây nhiễm do việc ăn các thực phẩm hoặc uống nước không sạch, nhiễm sán từ phân người. Trong một số loại thực phẩm thì rau chưa chín hoặc ăn rau sống là một trong những nguyên nhân khiến bạn nhiễm sán.
Một nguyên nhân khác là do việc ăn phải u trong thịt lợn nấu chưa chín, sán vẫn tiếp tục sinh sôi và phát triển khi vào trong ruột của người. Trong trường hợp sống chung với người mắc bệnh sán lợn cũng được xác định là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng sán lợn.
Điều trị sán lợn dễ hay khó ?
Đối với những trường hợp mắc sán lợn thì điều quan tâm hàng đầu chính là vấn đề điều trị, nhất là đối với trẻ nhỏ, việc điều trị cần phải được thực hiện sớm tránh những tác động của sán đối với sức khỏe vì trẻ là đối tượng có sức đề kháng kém.
Các bác sĩ cho biết rằng việc điều trị sán lợn thường không quá khó khăn nếu như được phát hiện và can thiệp sớm.
Các thuốc điều trị sán có nhiều như fubendazol, niclosamid, cloroquin, praziquantel…
- Praziquantel: đây được biết là một trong những loại thuốc điều trị sán phổ rộng. Tuy chưa có tài liệu nào đề cập đến hiện tượng gây quái thai và gây độc bào thai ở động vật cũng như ở người, nhưng phụ nữ tốt nhất không nên dùng thuốc trong thời gian mang thai; tương tự thuốc bài tiết qua sữa nên cũng không sử dụng với người cho con bú, nếu nhất định phải sử dụng thì ngừng cho con bú trong thời gian uống thuốc và 72 giờ tiếp theo sau khi ngừng uống thuốc.
Một số triệu chứng không mong muốn khi sử dụng chính là tình trạng chóng mặt, đau đầu… tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ không đáng lo ngại.
- Niclosamid: đây là thuốc được đưa vào điều trị giun sán từ những năm 1960, nó đặc biệt có hiệu quả với các loại sán dây. Nhiều nghiên cứu đáng khẳng định đây là loại thuốc an toàn và hiệu quả. Thuốc được chỉ định điều trị các loại bệnh do sán dây như sán bò, sán lợn cũng như một số loại sán dây khác; tuy nhiên để điều trị ấu trùng sán lợn thì praziquantel hiệu quả hơn. Thuốc có thể được chỉ định điều trị cho cả phụ nữ mang thai và phụ nữ cho con bú mà vẫn bảo đảm an toàn, nhất là trong các trường hợp mắc bệnh sán lợn do bệnh nhân có nguy cơ cao chuyển thành bệnh sán ấu trùng. Niclosamid hầu như không gây tác dụng phụ đặc biệt nào, có thể gặp một số biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ như buồn nôn và nôn, đau bụng, tiêu chảy. Cần chú ý, không được dùng thuốc cùng với các thuốc gây nôn vì có thể gây tình trạng trào ngược các đốt sán lên đường tiêu hóa gây tai biến mắc bệnh ấu trùng.
Có thể thấy rằng bệnh sán lợn điều trị không quá khó nên bạn không cần hoang mang. Hãy đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để được các bác sĩ tiến hành thăm khám và xác định tình trạng và áp dụng phác đồ điều trị kịp thời, phù hợp nhất.
Chúc bé sớm khỏi bệnh !