Hỏi:
Cháu mới đi soi đại tràng mà có cảm giác bị đầy hơi, căng trướng phần bụng dưới hơi khó chịu. Xin hỏi bác sĩ, sau khi nội soi đại tràng nên ăn gì thì giúp giảm được cảm giác này?
(Trần Đình Quang – Từ Liêm, Hà Nội)
Chào cháu!
Nội soi đại tràng là một kỹ thuật chẩn đoán thông qua ống mềm soi, giúp bác sĩ quan sát được những biểu hiện bất thường như: viêm loét, polyp, khối u, sẹo, chảy máu,….ở phía bên trong của đường ruột bao gồm: trực tràng, đại tràng, phần cuối ruột non.
Về cơ bản, nội soi trực tràng thao tác đơn giản và an toàn với người bệnh. Tuy nhiên, một số trường hợp cơ thể sẽ có sự phản ứng nhất định với thuốc an thần sử dụng khi nội soi, hoặc chảy máu từ vị trí sinh thiết, tổn thương đến đại tràng hoặc trực tràng,…..Do đó, sau khi nội soi, cháu có thể thấy hơi khó chịu ở phần bụng dưới, khoảng 2 – 3 ngày, tình trạng này sẽ giảm dần và biến mất. Nếu sau khoảng thời gian đó, biểu hiện trầm trọng hơn thì nên liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Sau khi đại tràng nội soi nên ăn gì?
Để tiến hành được nội soi, bệnh nhân sẽ được yêu cầu ăn thức ăn lỏng 1 – 2 ngày trước khi thực hiện và chỉ nên uống nước có màu trong,…để đại tiện ra phân lỏng. Một số người sẽ được chỉ định dùng thuốc nhuận tràng để giúp đường ruột sạch sẽ, đảm bảo kết quả nội soi chính xác.
- Cơ thể của cháu sau vài ngày nhịn ăn hoặc ăn đồ lỏng không nên ăn ngay sau khi vừa tiến hành nội soi xong. Hãy đợi khoảng 2 – 3 tiếng và nên bắt đầu ăn chút cháo trắng. Sau vài tiếng có thể ăn những thức ăn lỏng, mềm, dễ tiêu hóa như súp, cháo loãng có thịt băm, các món hầm nhừ.
- Để phục hồi lớp niêm mac đại tràng, giảm cảm giác đầy hơi, chướng bụng nên bổ sung dầu ô liu, lô hội, dầu cá, hạt mã đề, gừng,…
- Các thức ăn trong thời gian này nên ăn lúc không quá lạnh hoặc quá nóng, nên hâm nóng lại nếu để thức ăn nguội. Chia thành nhiều bữa trong ngày, cứ cách 2 – 3 giờ ăn một lần, không ăn quá no hoặc quá đói đều không tốt cho quá trình tiêu hóa.
- Ăn chậm, nhai kỹ trước khi nuốt. Nên kiêng những đồ chua hoặc lên men như dưa muối, cà muối, nem chua,…những món cay nóng hoặc quá mặn cũng nên hết sức hạn chế.
- Chú ý kiêng các chất kích thích, đồ uống có ga, cồn, chè đặc, những thức ăn chiên xào, đồ ăn chế biến sẵn.
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định y khoa từ bác sĩ chuyên môn, chế độ dinh dưỡng như vừa chia sẻ, nếu thấy cơ thể có những biểu hiện như:
- Đi đại tiện ra máu nhiều.
- Đau bụng nhiều (khác với quặn bụng do hơi).
- Sốt.
- Chóng mặt nhiều.
- Nôn mửa.
- Bụng chướng căng lên và cứng kéo dài.
Cháu nên liên hệ với bác sĩ điều trị để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Với những chia sẻ về sau khi nội soi đại tràng nên ăn gì? mong rằng đã giúp cháu có chế độ dinh dưỡng phù hợp, cách đúng cách để cảm giác khó chịu nhanh chóng đi qua.
Chúc cháu mạnh khỏe và sớm bình phục!