Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi hệ miễn dịch chưa hoàn thiện thì rất dễ gặp các vấn đề về sức khỏe. Trong đó, bệnh viêm tai giữa thường chiếm tỷ lệ gặp phải ở trẻ khá cao. Phổ biến là vậy, nhưng không phải cha mẹ nào cũng nắm rõ các triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh để có biện pháp phòng ngừa, phát hiện bệnh kịp thời.
Thấu hiểu được điều đó, trong khuôn khổ bài viết hôm nay, các bác sỹ chuyên khoa sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ, với mong muốn bổ sung kiến thức cơ bản, giúp bạn phát hiện và chữa trị bệnh kịp thời cho trẻ.
Bệnh viêm tai giữa ở trẻ?
Viêm tai giữa là bệnh viêm cấp tính ở lớp niêm mạc lót trong tai giữa, thường xuất phát sau viêm mũi họng. Bệnh thường gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là ở trẻ nhỏ từ 6 – 18 tháng tuổi.
Hơn nữa, viêm tai giữa cũng được coi là một trong những nỗi lo lắng của không ít các bậc phụ huynh, bởi nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm và khó khắc phục.
Triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ?
Các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ thường rất khó để cha mẹ có thể nhận ra. Hơn nữa, ở mỗi độ tuổi khác nhau, trẻ lại có những biểu hiện, nhận thức khác nhau, vì vậy nếu bạn nhận thấy trẻ có những biểu hiện bất thường dưới đây, hãy đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
- Trẻ có biểu hiện sốt cao, lên tới hơn 39 độ C
- Luôn có cảm giác bứt rứt, khó chịu và thường khóc khi được đặt nằm xuống, cho thấy bé đang bị đau do áp lực gia tăng ở tai khi bé nằm.
- Dùng tay dụi hoặc kéo vành tai
- Quấy khóc, trằn trọc, khó ngủ kéo dài.
- Trớ nhiều lần, tiêu chảy nhiều lần trong ngày.
- Có dịch hoặc mủ chảy ra từ tai, cho thấy màng nhĩ của bé đã bị vỡ do áp lực quá mức.
- Các mảng dịch hoặc mủ đã khô đóng vảy xung quanh tai.
- Triệu chứng đau tai,đau đầu hoặc giảm thính lực tạm thời thường xảy ra ở trẻ lớn…
Bệnh viêm tai giữa liên quan chặt chẽ với các bệnh viêm đường hô hấp trên. Vì thế, nó cũng có thể kèm theo các triệu chứng như ho, sổ mũi hoặc nghẹt mũi.
Vì sao trẻ nhỏ dễ bị viêm tai giữa?
Như đã nhắc đến ở trên, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, khả năng đề kháng còn kém nên dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus rất xâm nhập gây viêm.
Ngoài ra, cấu trúc tai của trẻ có đặc điểm ngắn hơn, rộng hơn và nằm ngang so với người trưởng thành. Vì vậy, mà chất lỏng từ cổ họng và tai ngoài có vi khuẩn rất dễ xâm nhập vào tai giữa gây viêm.
Trẻ nhỏ cũng có thể bị viêm tai giữa do biến chứng của một số bệnh lý tai mũi họng không được xem xét điều trị đúng như viêm amidan, viêm VA, viêm xoang…
Cha mẹ cần làm gì khi trẻ bị viêm tai giữa?
Các bác sỹ cho biết, ngay khi nhận thấy các triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ hoặc nghi ngờ trẻ có các biểu hiện bất thường về sức khỏe, cha mẹ cần nhanh chóng đưa con đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn thăm khám và chữa trị kịp thời.
Đối với bệnh viêm tai giữa phương pháp thường được chỉ định sau khi bác sỹ đã tìm ra nguyên nhân, xác định mức độ bệnh cụ thể.
Thông thường, điều trị có thể bao gồm điều trị thuốc Tây y, điều trị tại chỗ bằng thuốc tai hay phẫu thuật.
- Điều trị nội khoa: Thường được bác sỹ xem xét trong trường hợp viêm tai giữa cấp giai đoạn sung huyết. Ở giai đoạn ứ mủ, bác sĩ thường phải trích rạch màng nhĩ để dẫn lưu mủ. Trường hợp màng nhĩ bị rách, dịch mủ ứ đọng trong tai giữa thì làm thuốc tai có ý nghĩa quan trọng.
- Điều trị ngoại khoa: Với trường hợp bị viêm tai giữa tiết nhầy mủ, điều trị có thể bao gồm điều trị cục bộ (hút rửa tai khi có mủ, nhỏ thuốc tai), điều trị nguyên nhân (viêm mũi xoang, amidan…) hay phẫu thuật mở thượng nhĩ dẫn lưu.
Với thể viêm tai giữa mãn tính mủ, điều trị có thể là dẫn lưu, dùng thuốc chuyên khoa hay phẫu thuật.
Phẫu thuật điều trị viêm tai giữa mãn tính mủ được xem xét trong trường hợp viêm tai giữa có kèm theo viêm xương chũm mãn tính, có biến chứng, có hồi viêm…
Lời khuyên của bác sỹ chuyên khoa dành cho các bậc cha mẹ
Khả năng nghe của bé phụ thuộc vào sự rung đúng nhịp của màng nhĩ và vùng tai giữa. Việc viêm tai giữa nếu không được chú trọng điều trị, tái phát lại nhiều lần sẽ làm tổn thương màng nhĩ cũng như khả năng rung của nó. Từ đó làm khả năng nghe của bé bị kém đi, nhất là trong giai đoạn bé đang tập nói thì mức độ ảnh hưởng lại càng cao.
Hơn nữa, viêm tai giữa cấp không được điều trị tích cực ngay từ sớm dễ chuyển sang mãn tính, gây đau, chảy dịch tai, ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ, gây thủng màng nhĩ, xơ cứng khớp giữa các xương con… Ngoài ra, bệnh còn có thể dẫn đến những biến chứng nặng như: viêm màng não, áp xe não, viêm tắc tĩnh mạch, liệt dây thần kinh mặt…
Với mức độ nguy hiểm mà bệnh có thể gây ra, các bác sỹ chuyên khoa khuyến cáo, ngoài việc đưa trẻ thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, thì các bậc cha mẹ cũng nên biết cách phòng bệnh cho con bằng cách:
- Cho bé bú mẹ: sữa mẹ cung cấp và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên cho bé.
- Cho bé bú bình ở tư thế thẳng đứng và giữ tư thế đó ít nhất là 30 phút sau khi bú xong.
- Nếu bé ở độ tuổi ăm dặm, bạn nên cho con ngồi để ăn thay vì cho bé nằm hoặc ôm bé trong lòng.
- Giữ bé tránh xa các chất có khả năng kích ứng tạo ra dịch nhầy trong hốc mũi và tai giữa của bé.
- Hạn chế cho bé ngậm núm vú giả khi bé ngủ ban đêm, nhất là với bé từ 6 tháng trở lên.
- Tăng cường khả năng miễn dịch cho bé bằng cách cho bé ăn nhiều trái cây, rau củ quả tươi.
- Việc đi nhà trẻ quá sớm có thể khiến trẻ bị ho, khóc nhiều, bị cảm thường xuyên hơn, dễ dẫn đến viêm tai giữa ở trẻ em.
Trên đây là toàn bộ những thông tin về triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ cũng như phương pháp điều trị, biện pháp phòng tránh mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng cần nắm được. Nhằm giúp bạn bảo vệ tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển của bé yêu.