Cho đến nay, tiêm phòng HPV vẫn được coi là phương pháp pháp hữu hiệu nhất giúp chị em phụ nữ phòng ngừa căn bệnh ung thư cổ tử cung quái ác. Vậy độ tuổi để chích ngừa ung thư cổ tử cung là bao nhiêu tuổi?
Tiêm phòng HPV là phương pháp các bác sỹ sẽ tiêm cho chị em vaccine có khả năng kháng lại với HPV, một loại virus gây u nhú ở người, tên đầy đủ là Human Papilloma Virus. Hiện ung thư cổ tử cung được biết tới là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư ở chị em phụ nữ và là bệnh ung thư phổ biến đứng thứ 2 ở phụ nữ trên toàn thế giới.
HPV được coi có mức độ nguy hiểm rất nghiêm trọng bởi chúng chủ yếu lây truyền thông qua con đường tình dục: Qua sự tiếp xúc da với da, qua niêm mạc miệng, hầu họng hoặc là sự tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người đã bị nhiễm bệnh. Khi hôn hoặc là chạm vào bộ phận sinh dục của đối tác bằng miệng cũng có khả năng lây truyền virus HPV.
Ngoài ra thì HPV còn có thể lây truyền mà không cần thông qua đường tình dục, chẳng hạn như dùng dụng cụ cắt móng tay, kim bấm sinh thiết, đồ lót… của người nhiễm bệnh. HPV cũng có thể lây truyền từ mẹ sang cho con trong lúc sinh và gây ra tình trạng đa bướu gai đường hô hấp cho trẻ sơ sinh.
Hiện nay, các bác sỹ vẫn chưa có thuốc đặc trị HPV gây ung thư cổ tử cung, tuy nhiên việc tiêm phòng HPV được coi là biện pháp hiệu quả nhất để chị em phụ nữ có thể chủ động phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm chết người này.
Ung thư cổ tử cung là bệnh lý xuất hiện ở phần nối giữa tử cung và âm đạo của người phụ nữ. Tại khu vực này sẽ hình thành nên một khối u, ban đầu nhỏ rồi nhanh chóng phát triển và khó kiểm soát. Qua các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, có tới hơn 99% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của nhóm HPV nguy cơ cao như HPV type 16 hoặc HPV type 18.
Trên thực tế, việc phát hiện bệnh càng muộn thì khả năng chữa được khỏi bệnh là càng thấp. Khi bệnh chuyển sang giai đoạn IV, tức là giai đoạn cuối, lúc này, các tế bào ung thư đã di căn ra bên ngoài vùng chậu, đến các bộ phận gần đó, chẳng hạn như là bàng quang, trực tràng hoặc có thể xâm lấn các cơ quan xa như phổi, gan, xương… thì lúc này, việc điều trị phức tạp, chi phí tốn kém, thời gian sống giảm đi, khả năng khỏi bệnh là rất thấp, tính mạng người bệnh bị đe dọa. Thống kê gần đây cũng chỉ ra rằng, mỗi ngày ở tại Việt Nam sẽ có thêm khoảng 14 ca bệnh mới và có 7 trường hợp người bệnh tử vong do ung thư cổ tử cung.
Tuổi chích ngừa ung thư cổ tử cung
Bệnh ung thư cổ tử cung thường xảy ra với chị em phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 60 nhưng HPV lại có thể tồn tại âm thầm trong cơ thể chị em từ hàng chục năm trước đó. Chính vì thế, các chuyên gia khuyến cáo tuổi chích ngừa ung thư cổ tử cung là từ 9 – 26 tuổi, tốt nhất là khi người phụ nữ chưa có quan hệ tình dục. Việc chích phòng ngừa ung thư cổ tử cung sẽ giúp cơ thể tạo ra được kháng thể có khả năng chống lại việc nhiễm một số chủng loại HPV phổ biến có thể dẫn tới ung thư cổ tử cung mà cụ thể ở đây là 2 chủng HPV 16 và 18. Vì HPV chủ yếu là lây truyền qua đường quan hệ tình dục nên các chị em cần được tiêm ngừa trước khi quan hệ tình dục lần đầu tiên để đạt được hiệu quả tối đa.
Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo chị em cần được tiêm 2 – 3 mũi trong một đợt tiêm phòng. Sau khi tiêm, vaccine thường có hiệu quả kéo dài lên đến 30 năm. Trong trường hợp đã quan hệ tình dục, việc tiêm phòng ngừa HPV vẫn có tác dụng nhưng không được tối ưu.
Quan trọng là, cho dù có tiêm ngừa hay không, việc khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung là điều rất cần thiết. Tất cả những chị em phụ nữ đã có quan hệ tình dục ở độ tuổi 30 đến 49 tuổi thì nên làm xét nghiệm sàng lọc sớm ung thư cổ tử cung thường xuyên. Với những người quan hệ tình dục sớm, sinh con trước khi 17 tuổi, có nhiều bạn tình, sử dụng các loại thuốc tránh thai trên 5 năm, hút thuốc lá hoặc thấy biểu hiện bất thường thì cần đi khám sàng lọc sớm hơn.