Hỏi: Chào bác sỹ, cháu có câu hỏi tế nhị mong được giải đáp như sau. Cháu có quen một bạn trai được 3 tháng, chúng cháu chưa đi quá giới hạn mà mới chỉ dừng lại ở nắm tay, ôm và gần đây nhất là chúng cháu có hôn nhau. Sau đó thì anh ấy có thú nhận với cháu là bị viêm gan B. Cháu nghe nói là bệnh này có khả năng lây truyền nên khá hoang mang, lo lắng, xin hỏi bác sỹ hôn nhau có bị lây viêm gan B không?
Nguyễn Thu Thủy (Q. Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội)
Đáp:
Em thân mến,
Viêm gan B là bệnh lý khá nguy hiểm do virus HBV gây ra. Bệnh nếu không được kiểm soát, điều trị tốt sẽ có dẫn đến viêm gan, xơ gan và ung thư gan. Bệnh nguy hiểm không chỉ khi mắc phải có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới gan mà khả năng lây truyền của nó qua nhiều con đường khác nhau.
Các con đường lây truyền bệnh viêm gan B
Bệnh viêm gan B lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn
Virus có trong dịch tiết của người nhiễm bệnh. Do đó, nó có thể xâm nhập vào cơ thể của người khỏe mạnh thông qua các vết xây xước nhỏ khi quan hệ tình dục. Chính vì vậy, nguy cơ mắc bệnh viêm gan B sẽ rất cao nếu người khỏe mạnh có quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm bệnh.
Bệnh viêm gan B lây truyền do dùng chung kim tiêm
Việc dùng chung kim tiêm với người bị bệnh, virus gây bệnh dễ dàng bị lây truyền vào cơ thể người khỏe mạnh do kim tiêm bị dính máu có chứa loại virus này, đây chính là phương thức lây truyền bệnh viêm gan B khá phổ biến. Đó là lý do những người nghiện ma túy, dùng chung kim tiêm có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B rất cao, do đó dù với bất kỳ nguyên nhân nào tuyệt đối không dùng chung kim tiêm với người khác, chỉ sử dụng loại kim tiêm đã tiệt trùng và chỉ dùng 1 lần.
Bệnh viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con
Bệnh viêm gan B có khả năng lây truyền từ mẹ sang con nên trước khi mang thai, bác sỹ thường tư vấn phải tiêm phòng bệnh viêm gan B đầy đủ bởi phụ nữ có thai bị nhiễm bệnh viêm gan B, khả năng truyền virus gây bệnh viêm gan B sang con khi sinh nở rất cao. Do đó cần tiêm phòng bệnh viêm gan B cẩn thận và điều trị bệnh một cách triệt để trước khi mang thai. Đối với những người đã mắc phải bệnh viêm gan B, nếu muốn sinh con, sẽ cần phải tiến hành điều trị trước khi mang thai và trong khi mang thai. Con sau khi sinh sẽ được tiêm vaccine viêm gan B để phòng ngừa nguy cơ bị nhiễm.
Bệnh viêm gan B có thể lây truyền qua các vết đâm chọc
Nếu vô tình tiếp xúc với máu của bệnh nhân bị nhiễm bệnh viêm gan B mà không được bảo hộ một cách cẩn thận, nó có thể lây truyền viêm gan B vào cơ thể thông qua các vết xước trên da hoặc trường hợp chẳng may bị kim tiêm dính máu của người bệnh đâm, chọc vào cơ thể thì nguy cơ mắc bệnh cũng rất cao. Chính vì vậy cần cẩn thận và tuân thủ các nguyên tắc bảo hộ nếu môi trường làm việc hay tiếp xúc với máu, kim tiêm.
Hôn nhau có bị lây viêm gan B không?
Nếu hôn nhau thông thường, em sẽ không bị lây bệnh từ bạn trai. Tuy nhiên, nếu hôn nhau khi môi – miệng – răng của cả hai đang bị viêm rớm máu hoặc bị nứt nẻ thì nguy cơ bị lây nhiễm viêm gan B hoàn toàn có khả năng xảy ra. Vì thế, để chắc chắn an toàn, em nên đi tiêm phòng viêm gan B bằng vaccine chất lượng tốt, đúng liều và đúng kỹ thuật để cơ thể đề kháng được với loại virus nguy hiểm này.
Để phòng ngừa lây nhiễm, em cũng nên tuân thủ thêm một số vấn đề sau: Không dùng chung các dụng cụ gây xây xát da và niêm mạc có dính máu của người khác (chẳng hạn dao cạo râu, bàn chải đánh răng, dụng cụ cắt móng tay…), luôn sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, ăn uống đầy đủ dưỡng chất để cơ thể có sức đề kháng với mọi loại bệnh tật.
Chúc em nhiều sức khỏe!